Trang chủTin tứcBản tin trườngKỷ niệm 110 năm Ngày sinh đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai

Kỷ niệm 110 năm Ngày sinh đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai

  • PDF.InEmail

Tuyên truyền kỷ niệm 110 năm ngày sinh

đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai (30/9/1910 – 30/9/2020)

1 copy copy copy copy copy copy copy copy

Đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai

I. KHÁI LƯỢC THÂN THẾ, CUỘC ĐỜI HOẠT ĐỘNG CÁCH MẠNG CỦA ĐỒNG CHÍ NGUYỄN THỊ MINH KHAI

Đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai (tên khai sinh là Nguyễn Thị Vĩnh, thường gọi là Vịnh), sinh ngày 30/9/1910, quê ở xã Nhân Chính, huyện Từ Liêm (nay là phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, thành phố Hà Nội), sinh ra và lớn lên ở thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An - nơi có bề dày lịch sử truyền thống chống giặc ngoại xâm, do vậy, đã có nhiều ảnh hưởng đến nhận thức, tư tưởng của đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai.

Năm 1919, đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai bắt đầu học chữ quốc ngữ tại Trường Tiểu học Cao Xuân Dục ở Vinh. Tại đây, đồng chí được thầy giáo Trần Phú dìu dắt bắt đầu tham gia các phong trào yêu nước.

Năm 1926, đồng chí Nguyễn Thị Mai Khai tích cực tham gia phong trào đấu tranh tại quê hương, vận động nữ sinh tham gia bãi khóa, tổ chức lễ truy điệu cụ Phan Châu Trinh. Năm 1927(khi mới 17 tuổi), đồng chí ra nhập Việt Nam Cách mạng Đảng. Để giữ bí mật, đồng chí lấy tên mới là Nguyễn Thị Minh Khai.

Năm 1929, đồng chí được kết nạp vào Đông Dương Cộng sản Đảng. Đầu năm 1930, khi Đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập, đồng chí trở thành đảng viên lớp đầu tiên của Đảng và được phân công phụ trách công tác tuyên truyền, vận động phụ nữ, huấn luyện đảng viên ở khu vực Trường Thi, Bến Thủy và tổ chức Hội Phụ nữ Giải phóng. Tháng 3 năm 1930, đồng chí được cử sang Hương Cảng (Trung Quốc), công tác ở Văn phòng chi nhánh Ban Phương Đông của Quốc tế Cộng sản, nhận nhiệm vụ liên lạc với các tổ chức cách mạng Việt Nam ở trong nước.

Từ năm 1931 - 1932, đồng chí bị bọn mật thám Anh ở Hương Cảng bắt giam rồi chuyển giao cho chính quyền Quảng Châu cầm tù. Dù bị tra tấn tàn bạo nhưng đồng chí trước sau vẫn kiên trung với cách mạng. Ra tù, đồng chí tìm bắt liên lạc với tổ chức Đảng và đến Thượng Hải công tác ở Ban Chỉ huy ở ngoài của Đảng Cộng sản Đông Dương.

Từ ngày 25/7 đến ngày 21/8/1935, đồng chí là đại biểu chính thức tham dự và phát biểu tham luận (ngày 21/8/1935) tại Đại hội VII Quốc tế Cộng sản tại Mátxcơva. Tiếp đó, đồng chí tham dự và phát biểu tham luận tại Đại hội lần thứ VI Quốc tế Thanh niên Cộng sản. Trong thời gian từ năm 1935 đến năm 1936, đồng chí vào học khóa ngắn hạn tại Trường Đại học Phương Đông. Đầu năm 1937, đồng chí được phân công về công tác tại Sài Gòn và được cử vào Xứ ủy Nam Kỳ, là Bí thư Thành ủy Sài Gòn - Chợ Lớn.

Ngày 30/7/1940, sau khi dự phiên họp Xứ ủy Nam Kỳ bàn về chủ trương khởi nghĩa, đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai bị thực dân Pháp bắt. Chúng giam đồng chí tại Khám Lớn - Sài Gòn và tra tấn hết sức dã man. Không khiếp sợ trước sự tàn bạo của kẻ thù, trong tù đồng chí tiếp tục vận động chị em phụ nữ đấu tranh. Với cương vị là Ủy viên Xứ ủy Nam Kỳ, là Bí thư Thành ủy Sài Gòn - Chợ Lớn, đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai tìm mọi cách liên lạc với bên ngoài và tiếp tục tham gia chỉ đạo cuộc Khởi nghĩa Nam Kỳ ở Sài Gòn - Chợ Lớn.

Sáng ngày 26/8/1941, đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai cùng với một số đồng chí khác bị giặc đem ra xử bắn ở Hóc Môn, do không khuất phục được người chiến sĩ cộng sản trẻ tuổi. Trước khi ra pháp trường đồng chí đã nhắn nhủ đồng bào, đồng

"Vững chí bền gan ai hỡi ai,

Kiên tâm giữ dạ mới anh tài.

Thời cuộc đẩy đưa người chiến sĩ,

Con đường cách mạng vẫn chông gai".

Trước pháp trường, đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai hướng về phía đồng bào nói lời tâm huyết: "Việc chúng tôi làm là chính nghĩa. Vì muốn cho Tổ quốc chúng tôi được độc lập, dân chúng tôi được ấm no mà chúng tôi làm cách mạng. Chúng tôi không có tội gì... Thưa đồng bào! Chúng ta phải tiêu diệt đế quốc, phong kiến thì đời sống mới sung sướng được"[1].

2 copy copy copy copy

Nhà lưu niệm đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai

ở phường Quang Trung, thành phố Vinh, Nghệ An

II. NHỮNG CỐNG HIẾN TO LỚN CỦA ĐỒNG CHÍ NGUYỄN THỊ MINH KHAI VỚI SỰ NGHIỆP CÁCH MẠNG CỦA ĐẢNG VÀ ĐẤT NƯỚC

Một là, tích cực tham gia tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân đi theo con đường cách mạng dưới ngọn cờ của giai cấp công nhân Việt Nam (thời kỳ trước khi thành lập Đảng)

Sau nhiều năm bôn ba tìm đường cứu nước, ngày 11/11/1924, đồng chí Nguyễn Ái Quốc về Quảng Châu, Trung Quốc, bắt đầu mở các lớp tập huấn, đào tạo cán bộ chuẩn bị cán bộ và tổ chức cho sự ra đời của Đảng lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Tháng 6/1925, Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên ra đời. Thời điểm này, nhiều trí thức yêu nước đã được đồng chí Nguyễn Ái Quốc giác ngộ theo chủ nghĩa Mác - Lênin. Nhiều tổ chức yêu nước ra đời. Ở Trung Kỳ, Hội Phục Hưng Việt Nam (Hội Phục Việt) tập hợp được nhiều nhà hoạt động yêu nước có tên tuổi như: Lê Văn Huân, Ngô Đức Diễn, Trần Mộng Bạch, Phan Nghi Huynh, Đặng Thái Thuyến, Tôn Quang Phiệt, Nguyễn Sĩ Sách, Lê Duy Điếm...

Khi đó, đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai đang học tập tại Trường Tiểu học Cao Xuân Dục được thầy cô giáo là hội viên Hội phục Việt quan tâm, dạy dỗ, dìu dắt nên sớm giác ngộ tinh thần yêu nước và lòng tự hào dân tộc, đã tham gia Hội Tu thân - tổ chức thanh niên, học sinh của trường. Tại đây, đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai được tuyên truyền, giáo dục tinh thần yêu nước, kinh nghiệm của các phong trào chống thực dân Pháp, về cuộc cách mạng Pháp, cách mạng Nga và phong trào dân tộc Trung Quốc, đặc biệt, là chứng kiến cuộc sống lầm than của công nhân, nhân dân lao động ở Vinh - Bến Thủy đã thúc giục ý chí, lòng yêu nước của đồng chí phải làm gì có ích cho nước, cho dân.

Mùa hè năm 1927, đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai được kết nạp vào Việt Nam Cách mạng Đảng và được tổ chức phân công làm công tác tuyên truyền, vận động công nhân khu vực Vinh - Bến Thủy. Đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai đã dồn tất cả tâm huyết và nghị lực vào công tác cách mạng. Đồng chí vừa phải ngụy trang để che mắt địch, vừa phải giữ gìn để tránh sự hiểu lầm của gia đình, bạn bè. Trong thời gian ngắn đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai đã vận động, thu hút được nhiều công nhân, nhân dân tham gia ủng hộ cho phong trào cách mạng.

Song hành với vận động công nhân đấu tranh, đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai và các đồng chí trong Hội tổ chức các buổi nói chuyện, tuyên truyền cách mạng, dạy học ban đêm cho công nhân. Nhờ đó đã giác ngộ được nhiều công nhân tham gia vào phong trào của Vinh - Bến Thủy và có ảnh hưởng đến các huyện lân cận như: Hưng Nguyên, Nghi Lộc, Diễn Châu. Đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai và các đồng chí trong chi bộ tích cực xuống các làng xã xung quanh thành phố Vinh tìm hiểu đời sống, tâm tư nguyện vọng của bà con nông dân, vận động tổ chức ra Nông hội. Những hoạt động tích cực của đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai cùng các đồng chí khác đã góp phần thúc đẩy phong trào ở Vinh mạnh lên.

Việc ra nhập Đông Dương Cộng sản Đảng và trở thành thành viên Đảng Cộng sản Việt Nam đã khẳng định những công hiến to lớn, quan trọng, giá trị của đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai đối với phong trào công nhân thành phố Vinh vào thời kỳ mở đầu cho cách mạng Việt Nam, thời kỳ chuẩn bị thành lập Đảng cách mạng.

Hai là, chiến sĩ cộng sản kiên trung, bất khuất và luôn giữ vững khí chất người cách mạng (1930 - 1934)

Sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai hoàn toàn được chuyển sang một giai đoạn mới, giai đoạn có Đảng lãnh đạo. Đồng chí được tổ chức phân công đến hoạt động ở Hồng Kông. Tại đây đồng chí được đồng chí Nguyễn Ái Quốc trực tiếp giáo dục về chủ nghĩa Mác - Lênin, về lý luận chính trị và kinh nghiệm hoạt động cách mạng. Với tư duy thông minh, sáng tạo, trong thời gian ngắn, đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai đã nắm vững kiến thức lý luận để vận dụng vào thực tiễn công tác, đặc biệt là đồng chí nhanh chóng nắm vững và sử dụng thành thạo tiếng Trung và tiếng Anh. Nhiệm vụ chính của đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai thời kỳ này là liên lạc với thị ủy Hồng Kông, thuộc Đảng Cộng sản Trung Quốc, với các tổ chức cách mạng Việt Nam.

Tháng 4/1931, đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai bị cảnh sát Anh bắt giam, rồi chuyển giao cho chính quyền Quảng Châu. Với ý chí kiên trung, bất khuất đồng chí đã giữ vững được khí chất của người cách mạng, dù bị tra tấn, cùm kẹp, nhưng nhất quyết không khai. Trước tinh thần kiên trung của đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai bọn đặc vụ phải bó tay, không tra tấn, nhưng vẫn giam cầm đồng chí ở nơi bẩn thỉu, chật hẹp. Đến năm 1932, đồng chí Nguyễn Thị Minh khai và một số đồng chí khác được trả tự do.

Ra tù, đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai tìm cách liên lạc với Đảng. Sau đó, đồng chí đã gặp các đồng chí Hà Huy Tập, Lê Hồng Phong, Nguyễn Văn Dựt[2], liên lạc được với Đảng và cùng nhau hoạt động trong Ban Chỉ huy ở ngoài của Đảng (có vai trò như Ban Chấp hành Trung ương lâm thời). Dưới sự lãnh đạo của Ban Chỉ huy ở ngoài và sự quyết tâm, nỗ lực của các đảng viên trung kiên khôi phục lại phong trào đấu tranh trong nước, những năm 1933 – 1934, phong trào cách mạng dần dần được khôi phục. Thời điểm này, đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai, Lê Hồng Phong, Hoàng Văn Nọn được cử là đại biểu chính thức tham dự Đại hội Quốc tế Cộng sản lần thứ VII tại Mátxcơva.

Ba là, luôn tích cực tham gia các hoạt động của Quốc tế cộng sản, nhằm tranh thủ sự ủng hộ của bạn bè quốc tế với cách mạng Việt Nam (1935 - 1936)

Đây là thời kỳ đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai tham gia Đại hội Quốc tế Cộng sản lần thứ VII (tháng 7 đến tháng 8/1935) và Đại hội lần thứ VI Quốc tế Thanh niên Cộng sản (tháng 9 đến tháng 10/1935). Ở Liên Xô, đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai có điều kiện đi sâu nghiên cứu, trang bị cho mình vốn lý luận cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin, đường lối của Quốc tế Cộng sản về cách mạng thuộc địa... giúp đồng chí trưởng thành lên rất nhiều cả về bản lĩnh chính trị, lẫn tri thức, hoàn thiện khả năng đánh giá, nhận định tình hình toàn diện hơn, để từ đó vận dụng vào thực tiễn cách mạng Việt Nam.

Tại phiên họp 40 của Đại hội Quốc tế Cộng sản lần thứ VII, đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai thay mặt phụ nữ Đông Dương phát biểu với ba nội dung chính: tố cáo sự thống trị, phản động của thực dân Pháp ở Đông Dương; nêu ra thực trạng công tác vận động, tổ chức phụ nữ của Đảng; nhấn mạnh vai trò của phụ nữ trong cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa đế quốc và đấu tranh cho hòa bình.

Tại phiên họp thứ 13 ngày 3/10/1935 của Đại hội Quốc tế Thanh niên Cộng sản, đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai đã phát biểu với tư cách là đại biểu chính thức của Đại hội. Đồng chí đã nêu khái quát về tình hình, hoạt động của thanh niên Đông Dương và đề ra những nhiệm vụ trước mắt gồm: thanh niên phải thâm nhập vào các nhà máy, đồn điền, làng xã, trường học; phải thành lập các câu lạc bộ thanh niên; phải dẫn dắt, giáo dục thanh niên theo tinh thần đấu tranh cách mạng; phải thiết lập mối quan hệ giữa thanh niên Đông Dương với các tổ chức thanh niên quốc tế; và đặc biệt phải chú ý đến quần chúng nữ thanh niên.

Thông qua những hoạt động tại các Hội nghị Quốc tế, đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai đã giúp các đồng chí trong Quốc tế Cộng sản thấy được tình cảnh ở thuộc địa, bản chất bóc lột dã man của chủ nghĩa đế quốc, nhìn rõ hơn vai trò của phụ nữ và thanh niên trong cách mạng giải phóng dân tộc. Qua đó, đồng chí khẳng định cuộc đấu tranh giai cấp, đấu tranh dân tộc ở Đông Dương phải được khơi dậy bằng truyền thống yêu nước, đoàn kết, nhân nghĩa của dân tộc, phải phát huy được mọi tầng lớp trong xã hội tham gia, lấy công - nông làm gốc, do giai cấp công nhân lãnh đạo.

Bốn là, nữ lãnh đạo tận tụy vì nhiệm vụ, luôn chăm lo đến cơ sở và phong trào cách mạng (1936 - 1939)

Đầu năm 1937, đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai được cử về nước với nhiệm vụ truyền đạt Chỉ thị của Quốc tế Cộng sản, được cử vào Xứ ủy Nam Kỳ, giữ cương vị Bí thư Thành ủy Sài Gòn - Chợ Lớn, lãnh đạo phong trào cách mạng 1937 - 1939 ở Sài Gòn và Nam Kỳ. Đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai về Sài Gòn giữa lúc phong trào cách mạng đòi hỏi tự do dân chủ đang lên, nhưng đây cũng là lúc bọn tờrốtkít (là trường phái cơ hội chủ nghĩa, chống lại chủ nghĩa Mác - Lênin do Leon Trotsky khởi xướng) và các tổ chức phản động đẩy mạnh hoạt động, gây chia rẽ trong hàng ngũ cán bộ, công nhân.

Với phong trào Đông Dương đại hội: Ngày 26/7/1936, đồng chí Lê Hồng Phong đã triệu tập và chủ trì Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương và Ban Chỉ huy ở ngoài của Đảng ở Thượng Hải (Trung Quốc) để xác định chủ trương mới của Đảng: Xác định mục tiêu trước mắt của cách mạng là đấu tranh chống bọn phản động thuộc địa đòi quyền tự do, dân chủ, cơm áo và hòa bình. Mở đầu cho phong trào đấu tranh đòi dân chủ là phong trào Đông Dương đại hội - phong trào vận động thành lập các Ủy ban hành động để lấy dân nguyện đòi Chính phủ Pháp ban hành các quyền lợi về dân sinh, dân chủ, nhất là các quyền tự do tối thiểu. Dưới sự lãnh đạo của Xứ ủy Nam Kỳ và Thành ủy Sải Gòn - Chợ Lớn, đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai đã chủ trương không chấm dứt phong trào, không giải tán Ủy ban hành động... Nhờ đó, phong trào đã tạo ra khí thế, tinh thần đấu tranh của công nhân và nông dân biến thành nhiều cuộc tổng bãi công, biểu tình, đình công chính trị ở khắp Nam Kỳ và lan rộng ra Trung Kỳ và Bắc Kỳ. Đã buộc thực dân Pháp phải trả tự do cho tù chính trị trong đó có đồng chí Nguyễn An Ninh, phải ban hành một số quyền lợi của công nhân (được nghỉ chủ nhật, được nghỉ phép và hưởng lương trong năm, cấm phụ nữ làm ban đêm).

Với phong trào đón Gôđa: Gôđa là phái viên của Chính phủ Pháp sang điều tra tình hình Đông Dương, Đảng Cộng sản Đông Dương đã tổ chức míttinh từ Bắc đến Nam để biểu dương lực lượng. Ở Sài Gòn, đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai đã nhắc nhở cán bộ giải thích cho nhân dân không được ảo tưởng về Gôđa, phải vận động thành một phong trào đưa ra yêu sách đòi cải cách dân chủ, cải thiện đời sống cho công nhân và nhân dân, qua đó nâng cao trình độ giác ngộ cách mạng của nhân dân. Ngày 1/1/1937, khi Gôđa đến Bến cảng Nhà Rồng, Xứ ủy Nam Kỳ đã huy động khoảng hai vạn người hoan nghênh Mặt trận bình dân và hô khẩu hiệu đòi "Tự do dân chủ, tự do lập công hội, thi hành luật lao động, đại xá chính trị phạm".

Với phong trào đấu tranh đòi tự do, cơm áo, hòa bình: Dưới sự chỉ đạo sát sao của Bí thư Thành ủy Nguyễn Thị Minh Khai, phong trào đòi tự do, cơm áo, hòa bình ở Sài Gòn - Chợ Lớn diễn ra sôi nổi. Đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai luôn bám sát cơ sở, bí mật thâm nhập vào các xưởng sản xuất lớn của Pháp như Ba Son, Công ty Hỏa Xa..., đi đến vùng nông thôn, trực tiếp vận động và hướng dẫn nông dân đấu tranh, thành lập hội ái hữu, đưa quần chúng vào tổ chức, tập dượt đấu tranh. Hàng ngày, đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai cùng các đồng chí trong Thành ủy theo dõi, chỉ đạo và rút kinh nghiệm kịp thời các cuộc đình công, bãi công ở các nhà máy, đấu tranh đòi giảm thuế trong nông dân. Trong các cuộc đấu tranh thời kỳ này có thể kể đến cuộc đấu tranh của công nhân Ba Son đã tập trung được hơn 4.000 công nhân tham gia, cuộc mít tinh công khai ở rạp Đội Có (Tân Định) với hàng vạn thợ thuyền, công viên chức tham gia vào ngày Quốc tế Lao động 1/5/1938. Các hoạt động đã thể hiện sự đoàn kết và sức mạnh đấu tranh của nhân dân lao động dưới sự lãnh đạo của Đảng.

Đấu tranh trong lĩnh vực báo chí: Đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai và các đồng chí trong Xứ ủy rất tích cực trong việc xuất bản báo chí, nhất là các tờ báo công khai để tuyên truyền cho cách mạng. Lấy báo chí làm vũ khí sắc bén để cổ động, tuyên truyền, hướng dẫn tổ chức quần chúng đấu tranh. Đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai đã viết nhiều bài truyền đạt tư tưởng của Quốc tế Cộng sản, truyền bá và bảo vệ quan điểm của Đảng, nâng cao trình độ giác ngộ chính trị và kêu gọi quần chúng đấu tranh. Cuộc đấu tranh của nhân dân Sài Gòn đã giành được nhiều thắng lợi lớn: các chủ xưởng đã phải niêm yết luật lao động, phải tăng lương, phải cam đoan không đuổi thợ; đời sống tiểu thương, viên chức được cải thiện; ở nông thôn được giảm tô, giảm thuế... đặc biệt, công nhân, nhân dân Sài Gòn được giác ngộ về chính trị, trở thành lực lượng chính trị mạnh mẽ của cách mạng Việt Nam.

Với phong trào đấu tranh của phụ nữ: Được sự chấp thuận của Xứ ủy, đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai triệu tập Hội nghị đại biểu nữ giải phóng toàn Kỳ, đây là cuộc họp mặt đầu tiên trong lịch sử phong trào phụ nữ nước ta, là tiền đề cho phong trào phụ nữ ngày càng phát triển, vươn lên hòa vào cuộc đấu tranh chung của dân tộc. Đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai luôn quan tâm đặc biệt đến phong trào phụ nữ, đồng chí đã viết nhiều bài về vấn đề giải phóng phụ nữ, đấu tranh với những luận điểm xuyên tạc về vai trò của phụ nữ trong xã hội. Đồng chí luôn gắn cuộc đấu tranh giải phóng phụ nữ với cuộc đấu tranh giải phóng giai cấp, giải phóng dân tộc; thường xuyên kêu gọi chị em phụ nữ hăng hái hơn nữa trong phong trào đấu tranh chống áp bức, bóc lột. Do vậy, trong phong trào đấu tranh đòi tự do dân chủ, lực lượng phụ nữ tham gia ngày một đông. Nhiều cuộc đấu tranh do đại bộ phận phụ nữ tham gia hoặc do cán bộ phụ nữ trực tiếp chỉ đạo như cuộc đấu tranh của công nhân nhà máy thuốc lá Cotab, của chị em tiểu thương chợ Hóc Môn... ngoài những khẩu hiệu chung về tiền lương, giờ làm, điều kiện làm việc,... còn có những khẩu hiệu riêng về phụ nữ: việc làm và trợ cấp ngang nhau, trợ cấp sinh đẻ, không sa thải thợ có thai...

Đấu tranh chống tờrốtkít: Trong nội bộ Đảng thời điểm này đang diễn ra cuộc đấu tranh quyết liệt chống lại tư tưởng "tả" khuynh, cô độc, hẹp hòi và tư tưởng phản động, vô nguyên tắc của bọn tờrốtkít, khẩu hiệu đấu tranh của bọn chúng đã lừa gạt được một bộ phận công nhân, trí thức, công chức... ở Sài Gòn. Mặt khác, ngay trong Xứ ủy Nam Kỳ và Thành ủy Sài Gòn - Chợ Lớn cũng có nhiều ý kiến cho rằng nên hợp tác với nhóm tờrốtkít. Vì thế, đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai đã kiên quyết bác bỏ luận điệu cho rằng bọn tờrốtkít cũng yêu nước, cũng bênh vực quyền lợi của quần chúng. Trực tiếp đồng chí đã viết nhiều bài tuyên truyền vạch rõ bộ mặt giả tạo của bọn tờrốtkít trên các tờ báo công khai... hay làm diễn giả cho các cuộc mít tinh... Với những cố gắng đó đã góp phần đẩy lùi sự ảnh hưởng của bọn tờrốtkít đến phong trào công nhân thành phố.

Đấu tranh nghị trường: Đây là hình thức đấu tranh mới được Đảng Công sản Đông Dương triển khai trong giai đoạn này. Thời điểm này tại Nam Kỳ, Xứ ủy Nam Kỳ tích cực vận động bầu cử vào Hội đồng quản hạt, tuy nhiên những người công sản đã không đạt được kết quả cao. Do vậy, đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai đã chủ trương phải rút kinh nghiệm. Theo đồng chí, nguyên nhân thất bại là vì vận động chưa đến nơi, chưa có ảnh hưởng rộng, phối hợp trong ngoài giữa hai hệ thống công khai, bí mật chưa chặt chẽ, cán bộ không thông suốt, không tập trung được lực lượng.

Năm là, nữ Bí thư Thành ủy hiên ngang, bất khuất vì lý tưởng của Đảng và của dân tộc (1940 - 1941)

Ngày 30/7/1940, đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai bị mật thám Pháp bắt và bị đưa về giam ở bót Catina. Dù bị tra tấn dã man nhưng với lòng kiên trung với Đảng, với dân tộc, bất khuất trước kẻ thù, đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai vẫn không khai nữa lời. Không những thế, đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai tiếp tục vận động chị em phụ nữ đấu tranh và tìm cách liên lạc với bên ngoài, tiếp tục chỉ đạo cuộc Khởi nghĩa Nam Kỳ ở Sài Gòn - Chợ Lớn. Kẻ thù đã đưa đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai ra tòa và kết án tử hình. Tại tòa, đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai dõng dạc nói: "Nước của tôi, cứu nước là có tội, cướp nước là không có tội sao?". Đến phút cuối cùng của cuộc đời, trong suy nghĩ và hành động, lời nói và việc làm, đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai đã hiến dâng trọn đời cho lý tưởng cách mạng cao đẹp của Đảng và dân tộc.

Đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai là nữ chiến sĩ cách mạng tiền bối, một trong những đảng viên lớp đầu tiên của Đảng góp phần đặt nền móng xây dựng Đảng và phong trào cách mạng Việt Nam; là người học trò kiên trung, người giúp việc cho Chủ tịch Hồ Chí Minh trong những năm tháng hoạt động cách mạng tại Trung Quốc. Những đóng góp to lớn, hy sinh cao cả của đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai là tiêu biểu trong lịch sử cách mạng Việt Nam.

Đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai là một tấm gương sáng chói về khí tiết cách mạng, đã dành trọn cuộc đời hy sinh cho Đảng, cho cách mạng, cho dân tộc Việt Nam. Tấm gương hoạt động, cống hiến và hy sinh vì sự nghiệp cách mạng của đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai sẽ mãi trường tồn trong lòng cán bộ, đảng viên, nhân dân và dân tộc Việt Nam.

III. NHỮNG BÀI HỌC QUÝ BÁU TỪ CUỘC ĐỜI VÀ SỰ NGHIỆP CÁCH MẠNG CỦA ĐỒNG CHÍ NGUYỄN THỊ MINH KHAI

- Giàu lòng yêu nước, kiên cường, bất khuất và dạt dào tình cảm.

Sinh ra và lớn lên ở một vùng quê nghèo khó, khắc nghiệt nhưng lại có nền văn hiến lâu đời, có truyền thống cách mạng nên ngay từ nhỏ, đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai đã được thừa hưởng nền văn hóa đầy tính nhân văn sâu sắc. Chính những lý tưởng sống trong tâm hồn, kiên trung trong bản chất, khắc khổ trong sinh hoạt và cứng cỏi trong giao tiếp của con người Xứ Nghệ; tính ổn định trong đặc điểm phổ quát, giá trị văn hóa bản địa, mạch nguồn truyền thống... làm bệ đỡ tinh thần, cội nguồn hình thành tính cách và tâm hồn đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai.

Chứng kiến cuộc sống của người dân nghèo, thân phận của người phụ nữ với bao tủi nhục, lầm than, đau đớn, không được đối xử bình thường dười chế độ nửa thực dân, nửa phong kiến, cảnh lầm than của quê hương, đã tác động mạnh mẽ đến đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai, thôi thúc đồng chí tham gia vào các hoạt động cách mạng từ rất sớm. Đồng chí tích cực hoạt động trong phong trào công nhân thành phố Vinh và vào tổ chức Phục Việt (sau này đổi tên là Tân Việt) và được bầu vào Ban Chấp hành đại tổ, phụ trách công tác vận động phụ nữ trên địa bàn.

Cả cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai là con đường đầy chông gai, đau khổ nhưng cũng hết sức vẻ vang. Với tinh thần kiên trung, bất khuất, đồng chí đã một lòng phục vụ Đảng, phục vụ nhân dân, vẹn nguyên tình cảm vợ chồng, tình mẫu tử thiêng liêng. Đồng chí đã lấy chính bản thân mình, khí tiết của mình để tuyên truyền, giáo dục và cảm hóa quần chúng theo Đảng.

- Chiến sĩ cách mạng tiên phong, nhà lãnh đạo tài năng và khí phách.

Là một ủy viên của Xứ ủy Nam Kỳ và trực tiếp lãnh đạo phong trào cách mạng ở thành phố Sài Gòn - Chợ Lớn, với trọng trách là Bí thư, đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai đã để lại cho chúng ta nhiều bài học kinh nghiệm vô cùng quý giá trong việc chỉ đạo, tổ chức thực hiện một cách năng động những nhiệm vụ, công tác đó là: củng cố Đảng vững mạnh cả về chính trị, tư tưởng và tổ chức; phát triển mạnh mẽ và sâu rộng phong trào đấu tranh của giai cấp công nhân; không ngừng mở rộng ảnh hưởng của Đảng trong quần chúng; kiên trì và triệt để đấu tranh chống lại những khuynh hướng tư tưởng phản động.

Tuy cuộc đời và sự nghiệp ngắn ngủi nhưng đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai đã kịp hoàn thành nhiều công việc quan trọng của Đảng và nhân dân giao phó, để lại một tấm gương sáng về lòng yêu nước, về sự kiên trung, bất khuất vì độc lập cho Tổ quốc, vì tự do cho nhân dân, về phẩm chất cao quý của người chiến sĩ cách mạng- bình thản đối diện với cái chết và sự tàn bạo của kẻ thù, dù phải chết, dù phải hy sinh tính mạng, nhưng không hề nao núng, không khuất phục, không bao giờ đầu hàng.

- Phẩm chất cao đẹp của người chiến sĩ cộng sản.

Đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai ngã xuống, nhưng khí phách anh hùng của người nữ đảng viên cộng sản mãi mãi sáng ngời trong lịch sử đấu tranh giành độc lập cho dân tộc. Tinh thần đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai là bất tử. Tên tuổi sự nghiệp của đồng chí mãi mãi sống trong lịch sử quang vinh của Đảng và cách mạng Việt Nam. Đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai là một người con trung hiếu của dân tộc, người chiến sĩ cộng sản kiên cường, một Bí thư Thành ủy mẫu mực, một tấm gương sáng trong lịch sử đấu tranh của dân tộc ta. Đồng chí đã hiến dâng trọn cuộc đời cho độc lập, tự do của Tổ quốc và hạnh phúc của nhân dân, một tấm gương quên thân vì nước, hy sinh vì lý tưởng.

Cả cuộc đời đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai phấn đấu không biết mệt mỏi cho sự nghiệp cách mạng của dân tộc, cho sự nghiệp giải phóng phụ nữ. Tấm gương anh dũng hy sinh của đồng chí luôn sáng ngời, tấm gương về chiến sĩ cộng sản kiên cường, trước hiểm nguy không lùi bước, trước kẻ thù không khuất phục; nén những tình cảm riêng tư của mình để hiến dâng trọn cuộc đời cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và của dân tộc. Tên tuổi và sự nghiệp cách mạng cao quý của đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai được khắc ghi cho muôn đời con cháu mai sau.

Đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai - Người phụ nữ Việt Nam kiên cường, bất khuất, sống mãi với non sông đất nước, mãi mãi xuân sắc như độ tuổi ngã xuống của đồng chí.

                                                                    BAN TUYÊN GIÁO TRUNG ƯƠNG

[1] Dẫn theo Nguyệt Tú: Áo trắng trước pháp trường, Sđd, tr.171.

[2] Đảng Cộng sản, Văn kiện Đảng toàn tập, sđd, t.5, tr.402

 


Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Gallery ảnh

Thống kê

Các thành viên : 11
Nội dung : 139
Liên kết web : 18
Số lần xem bài viết : 191071
Hiện có 10 khách Trực tuyến

Danh bạ điện thoại

STT HỌ VÀ TÊN CHỨC VỤ SỐ ĐT
1 Phạm Thị Huyền Hiệu trưởng 0914. 916. 196
2 Tạ Duy Sơn Phó H.Trưởng 0905. 641. 273
3 Võ Đăng Cư Phó H.Trưởng 0905. 117. 454
4 Huỳnh Ngọc Hưng Phó H.Trưởng 0909. 144. 047
STT HỌ VÀ TÊN CHỨC VỤ SỐ ĐT
1 Lê Thị Hồng Bích Tổ trưởng 0935. 000. 617
2 Vũ Thúy Diễm Nhân viên 0978. 727. 678
4 Tạ Thị Thu Hà Nhân viên 077.5542. 300
5 Nguyễn Thanh Trị
Nhân viên 0932 528 915
6 Trần Tiếp Nhân viên 0366 23 28 32
7 Phan Văn Long Nhân viên 0935. 729. 455
8 Trần Thị Thu Nhân viên 079. 9312. 979