Trang chủTrang chủVề huyện Thăng Bình

Giới thiệu về huyện Thăng Bình

  • PDF.InEmail

thangbinh

Thăng Bình "cửa ngõ phía Bắc của Thủ phủ Quảng Nam", là miền đất "đầu cầu" của các tỉnh nam trung Trung Việt, cửa ngõ xuất quân của đoàn quân đi mở sinh lộ vào phía Nam...
Từ đầu thế kỷ XV (năm1430), triều đại Nhà Hồ sau khi thương thảo với triều đại Chiêm Thành giao nhượng hai động: Chiêm động (Bắc Quảng Nam) và Cổ Lũy động. Từ đó Nhà Hồ chia Chiêm động và Cổ Lũy động thành 4 châu: Thăng, Hoa, Tư, Nghĩa rồi đặt lộ Thăng Hoa thống lãnh 4 châu. Châu Thăng được chia thành 3 huyện: Lệ Giang, Đông Hà và An Bị. Năm 1471 vua Lê Thánh Tông (Hồng Đức năm thứ 2) đã tổ chức cải cách hành chánh tại các châu Thăng, Hoa, Tư, Nghĩa và thành lập Đạo Thừa tuyên Quảng Nam gồm vùng đất từ Nam sông Thu Bồn đến Đèo Cả và chia làm 3 Phủ: Thăng Hoa, Tư Nghĩa, Hoài Nhơn. Mỗi Phủ chia làm 3 huyện. Phủ Thăng Hoa có 3 huyện: Lệ Giang, Hà Đông, Hy Giang. Danh xưng Quảng Nam bắt đầu từ đó trong lịch sử mở nước của dân tộc ta.
Năm 1490 Đạo Thừa tuyên Quảng Nam đổi thành xứ Quảng Nam, năm 1520 gọi là trấn Quảng Nam và năm 1602 Chúa tiên Nguyễn Hoàng đổi thành Dinh Quảng Nam, huyện Lệ Giang đổi thành huyện Lệ Dương; đến năm 1906 đổi thành Phủ Thăng Bình, chia làm 7 tổng với 170 xã. Năm 1922, một số xã phía Tây Nam Phủ Thăng Bình được tách nhập với một số xã của phía Tây Phủ Tam Kỳ thành huyện mới là Tiên Phước. Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, 5 xã phía Đông của Duy Xuyên được nhập vào Thăng Bình - Phủ Thăng Bình được đổi thành huyện Thăng Bình.
Trong suốt nhiều thế kỷ (từ khi hình thành đến nay) nhân dân Thăng Bình đã chung sức, chung lòng chống chọi với thiên tai, địch họa, xây dựng quê hương, bảo vệ đất nước, đã hun đúc nên phẩm chất và phong cách tốt đẹp của người dân Phủ Thăng: cần cù, dũng cảm, trung thực, nghĩa tình, yêu nước nồng nàn, kiên cường bất khuất.
Vị trí địa lý, đặc điểm tự nhiên của vùng đất Thăng Bình.
Là một huyện nằm giữa tỉnh Quảng Nam, có thị trấn Hà Lam làm huyện lỵ, Thăng Bình ở tọa độ 15030' đến 15059' vĩ độ Bắc và từ 10807' đến 108030' kinh độ Đông. Phía Bắc giáp huyện Quế Sơn và Duy Xuyên, phía Nam giáp thành phố Tam Kỳ và huyện Phú Ninh, phía Đông giáp biển Thái Bình Dương, phía Tây giáp huyện Tiên Phước và Hiệp Đức. Huyện Thăng Bình có 21 xã, thị trấn; có tổng diện tích đất đai là 384,75km2, xã có diện tích lớn nhất là Bình Định: 31km2, xã có diện tích nhỏ nhất là Bình Nguyên: 7,72km2. Đất đai ở Thăng Bình chia làm nhiều vùng khác nhau: vùng ven biển chủ yếu là đất cát trắng; vùng đồng bằng trung du bán sơn địa và miền núi rừng rậm rạp, đất đai khô cằn, bạc màu hoặc bị đá ong hóa. Hiện nay diện tích gò đồi, núi trọc chiếm 2/5 diện tích đất đai của huyện.

Bản đồ huyện Thăng Bình
Về thời tiết khí hậu, Thăng Bình có 2 mùa rõ rệt trong năm. Mùa mưa bắt đầu từ tháng 9 năm trước đến tháng 2 năm sau, mùa khô bắt đầu từ tháng 2 đến tháng 8 nên nắng nóng và mưa lớn kéo dài thường xuyên gây nên hạn hán, bão, lụt làm ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống, sản xuất của nhân dân. Thăng Bình có hơn 25km bờ biển chạy dài dọc qua các xã phía Đông của huyện với một dãy đất cát trắng mênh mông, sau lưng có núi Cao Ngạn và một số núi kéo dài cả huyện ở miền cao bao lấy bên trong là vùng đồng bằng trung du bán sơn địa và diện tích rừng, gò đồi. Trước kia, Thăng Bình có nhiều sông suối, có nước chảy quanh năm từ các triền núi đổ về như sông Ly Ly, sông Trường Giang.... nhưng theo năm tháng, dòng sông đổi dòng ở một số đoạn nên về mùa nắng, nước ở các suối và sông Ly Ly trở nên cạn kiệt; sông Trường Giang bị nước biển xâm thực, trở nên nguồn nước lợ.
Về giao thông, ngoài đường biển, đường sông khá thuận lợi cho việc giao thông vận tải, Thăng Bình còn nhiều đường trên bộ. Đường quốc lộ 1A và tuyến đường sắt Bắc - Nam chạy xuyên qua địa phận huyện; đường quốc lộ 14E bắt đầu từ Cây Cốc (Hà Lam) lên Việt An, Tân An đến Làng Hồi (Phước Sơn) giáp đường Hồ Chí Minh nối liền với các tỉnh Tây Nguyên; đường Thanh Niên chạy dọc ven biển. Nhiều tuyến đường liên huyện, liên xã, liên thôn chạy dọc khắp huyện là điều kiện thuận lợi cho sự phát triển kinh tế, xã hội của địa phương.

Truyền thống đấu tranh của nhân dân Thăng Bình
Tổ tiên của người Thăng Bình, người Quảng Nam nguyên quán từ miền Bắc vào miền Nam mở mang bờ cõi đất nước nên truyền thống đấu tranh của người dân Thăng Bình cũng là truyền thống yêu nước của người Việt Nam. Trải qua các thời kỳ chống ngoại xâm bảo vệ nền độc lập của dân tộc, người dân Thăng Bình đã tham gia chiến đấu kiên cường. Trên mảnh đất thân yêu này đã để lại những dấu ấn rực sáng chủ nghĩa anh hùng cách mạng trong quá trình đấu tranh giải phóng dân tộc, nhất là trong hai cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược. Từ khi Thực dân Pháp nổ phát súng đầu tiên xâm lược nước ta vào cảng Đà Nẵng, biết bao thanh niên Thăng Bình đã dũng cảm chiến đấu dưới sự chỉ huy của thống soái Nguyễn Tri Phương và nhiều tướng lĩnh khác. Khi Pháp đánh chiếm Kinh thành Huế, nhân dân Thăng Bình đã hưởng ứng phong trào Nghĩa hội - Cần vương, phong trào Duy Tân, các phong trào chống Pháp tích cực... gắn liền với các tên tuổi như: Tiểu La - Nguyễn Thành, Nguyễn Úynh, Lê Cơ...
Năm 1930, sau khi Đảng bộ tỉnh Quảng Nam được thành lập (28-3-1930) phong trào đấu tranh của nhân dân Thăng Bình bắt đầu có bước chuyển biến tích cực hướng theo sự lãnh đạo của Đảng. Đồng chí Phạm Thâm, Phó Bí thư Tỉnh ủy được phân công phụ trách Thăng Bình đã tổ chức kết nạp đảng viên cho đồng chí Võ Duy Bình và đồng chí Võ Xưng; hai đồng chí được giao nhiệm vụ tuyên truyền, vận động và phát triển đảng, đánh dấu bước chuyển biến quan trọng của phong trào cách mạng trong huyện Thăng Bình dưới ngọn cờ lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam mà trực tiếp là Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Quảng Nam.
Cuối năm 1929 đầu năm 1930 phong trào công nhân trong nước phát triển mạnh, các cuộc bãi công nổ ra khắp nơi ở các đồn điền, xí nghiệp của thực dân Pháp. Ở Thăng Bình, đêm 01-5-1930 lần đầu tiên, lá cờ đỏ búa liềm được treo trên nóc Nhà Lục giác, trước cổng Phủ đường, truyền đơn cách mạng xuất hiện ở ngã tư Hà Lam, Ngọc Phô.... Sau sự kiện này địch tăng cường đàn áp, khủng bố, phong trào cách mạng ở Quảng Nam chịu nhiều tổn thất, các cơ sở Đảng ở Thăng Bình bị vỡ, các đồng chí Võ Duy Bình, Võ Xưng bị bắt, cơ quan Tỉnh ủy bị khám xét, phá hoại. Tuy nhiên với tinh thần, ý chí kiên cường, bất khuất quyết vùng lên phá bỏ gông xiềng nô lệ, giải phóng dân tộc, giành lại độc lập, tự do cho Tổ quốc, nhân dân Thăng Bình đã cùng với cả nước đứng lên đấu tranh giành chính quyền; đến đầu năm 1945 dấy lên cao trào tiền khởi nghĩa rộng khắp cả huyện và khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân (18-8-1945) thắng lợi. Trước sự phát triển mạnh mẽ của phong trào cách mạng và do đòi hỏi sự lãnh đạo của Đảng phải mở rộng toàn diện, đầu tháng 11-1945 Huyện ủy lâm thời Thăng Bình được thành lập.
Sau thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945, Đảng bộ huyện Thăng Bình tập trung lãnh đạo nhân dân xây dựng chính quyền cách mạng, ổn định tình hình chính trị, xã hội và tiếp tục kháng chiến chống thực dân Pháp. Vai trò lãnh đạo của Đảng được phát huy mạnh mẽ, Đảng bộ và quân dân Thăng Bình tuyệt đối tin tưởng vào Mặt trận Việt Minh, vào Đảng và Chính phủ, quyết tâm bảo vệ chính quyền vừa giành được.
Từ năm 1954 đến 1959 là thời kỳ đen tối nhất của phong trào cách mạng tỉnh Quảng Nam nói chung và huyện Thăng Bình nói riêng. Bằng chính sách "tố cộng", "diệt cộng" tàn bạo, bọn tay sai Ngô Đình Diệm đã tiến hành chém giết và khủng bố đẫm máu đồng bào, tại huyện Thăng Bình chúng đã khủng bố đẫm máu ở Hà Lam - Chợ Được với hàng trăm người chết và bị thương. Bất chấp sự hà khắc tàn bạo của bọn Mỹ - Ngụy và tay sai, nhân dân Thăng Bình đã anh dũng chiến đấu, đập tan các cuộc càn quét, tiến công tiêu diệt địch giải phóng quê hương (26-3-1975) góp phần cùng cả nước đánh tan các cuộc hành quân của Mỹ giành thắng lợi vào mùa xuân 1975 bằng chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
Với những thành tích và chiến công vẻ vang trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ cứu nước, quân và dân huyện Thăng Bình đã được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân (năm 1996).
Phát huy truyền thống đấu tranh anh dũng ấy, trong thời kỳ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Đảng bộ và nhân dân Thăng Bình đã tập trung xây dựng chỉnh đốn Đảng, củng cố chính quyền, Mặt trận, các đoàn thể xã hội vững mạnh đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới. Kinh tế - xã hội tiếp tục phát triển, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân ngày càng được nâng lên, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững.

 


Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Gallery ảnh

Thống kê

Các thành viên : 11
Nội dung : 142
Liên kết web : 18
Số lần xem bài viết : 195350
Hiện có 18 khách Trực tuyến

Danh bạ điện thoại

STT HỌ VÀ TÊN CHỨC VỤ SỐ ĐT
1 Phạm Thị Huyền Hiệu trưởng 0914. 916. 196
2 Tạ Duy Sơn Phó H.Trưởng 0905. 641. 273
3 Võ Đăng Cư Phó H.Trưởng 0905. 117. 454
4 Huỳnh Ngọc Hưng Phó H.Trưởng 0909. 144. 047
STT HỌ VÀ TÊN CHỨC VỤ SỐ ĐT
1 Lê Thị Hồng Bích Tổ trưởng 0935. 000. 617
2 Vũ Thúy Diễm Nhân viên 0978. 727. 678
4 Tạ Thị Thu Hà Nhân viên 077.5542. 300
5 Nguyễn Thanh Trị
Nhân viên 0932 528 915
6 Trần Tiếp Nhân viên 0366 23 28 32
7 Phan Văn Long Nhân viên 0935. 729. 455
8 Trần Thị Thu Nhân viên 079. 9312. 979